Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Công ty tôi có trụ sở tại Hà Nội, đã chuyển đổi hóa đơn sang hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế từ tháng 12/2021. Trong tháng 02/2022, thực hiện theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, công ty tôi đã xuất hóa đơn với thuế suất thuế GTGT là 8% cho một số mặt hàng và đã gửi hóa đơn cho khách hàng. Tuy nhiên trong tháng 04/2022, công ty tôi phát hiện những mặt hàng mà công ty đang xuất 8% không được giảm thuế theo Nghị định 15 mà phải giữ nguyên thuế suất thuế GTGT là 10%. Do đó căn cứ Khoản 2, Điều 17 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và Điểm b, Khoản 2, Điều 11 Thông tư 68/2019/TT-BCT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP: “2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua phát hiện có sai sót thì xử lý như sau: b) Trường hợp có sai về mã số thuế, về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế, hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót và người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về việc hủy hóa đơn điện tử và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót. …Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn…số hóa đơn..., ngày... tháng... năm”. Người bán ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới” nên Công ty tôi xác định phải làm Hóa đơn thay thế cho những hóa đơn đã lập có sai sót về thuế suất. Vì giá bán hàng hóa của công ty tôi là giá đã bao gồm thuế nên việc điều chỉnh thuế suất từ 8% lên 10% không làm ảnh hưởng đến tổng thanh toán mà sẽ làm giảm thành tiền đồng thời tăng tiền thuế GTGT một khoản tương ứng. Tuy nhiên các khách hàng của công ty tôi lại yêu cầu làm hóa đơn điều chỉnh căn cứ Điểm b, Khoản 2, Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: “b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau: b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót; b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót” và căn cứ Khoản 5, Điều 1, Nghị định 15/2022/NĐ-CP: “5. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua”. Công ty tôi kê khai thuế GTGT theo quý, tại thời điểm phát hiện hóa đơn có sai sót về thuế suất công ty tôi chưa kê khai thuế quý 1/2022; công ty khách hàng kê khai thuế GTGT theo tháng, tại thời điểm đó công ty họ đã kê khai thuế GTGT. Vậy trong trường hợp này công ty tôi phải xuất hóa đơn thay thế hay hóa đơn điều chỉnh thì mới đúng quy định? Rất mong sớm nhận được giải đáp của Bộ Tài chính! Trân trọng cảm ơn!
08/06/2022
Trả lời:

Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:

            + Tại Điều 19 quy định về xử lý hóa đơn có sai sót:

            “…

            2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

           

            b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế)…

Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

            Trường hợp Công ty của Độc giả lập hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và đã gửi cho người mua sau đó phát hiện có sai sót thì có thể lựa chọn lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót hoặc lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót  theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

          Đề nghị Độc giả căn cứ tình hình thực tế, đối chiếu với các văn bản pháp luật về thuế để thực hiện đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị Độc giả cung cấp hồ sơ liên quan đến vướng mắc và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.

Gửi phản hồi: