Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính! Căn cứ Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 (Thông tư 107/2017/TT-BTC ) của Bộ Tài chính, trong đó có hướng dẫn hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu của tài khoản 421 “Thặng dư (thâm hụt) lũy kế” (Phụ lục số 02). Trong quá trình thực hiện, địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hạch toán kế toán từ việc phân phối, trích lập các quỹ từ thặng dư (thâm hụt) của hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Kính đề nghị Bộ tài chính xem xét, hướng dẫn để địa phương thực hiện đúng quy định với nội dung như sau: Các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê ( Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017). Do đó phần thặng dư từ hoạt động cho thuê (sau khi đơn vị đã thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước, trích khấu hao và các chi phí hợp lý có liên quan) thì đơn vị được bổ sung và trích lập các quỹ theo các quy định hiện hành. Từ đó có các nghiệp vụ và quan điểm trái chiều như sau: * Quan điểm 1 Căn cứ Thông tư 107/2017/TT-BTC thì nghiệp vụ trích lập các quỹ từ thặng dư từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hạch toán như sau: Nợ TK 4212 Có TK 431 * Quan điểm 2 Để cho số liệu quyết toán tại chỉ tiêu 91 về số kinh phí đã sử dụng đề nghị quyết toán) trên biểu B01/BCQT = số liệu trên biểu F01/BCQT (cột 6: nguồn hoạt động khác được để lại) nên hướng dẫn cho đơn vị hạch toán như sau: Nợ TK 642 Có TK 431 Có nghĩa là hạch toán phần trích lập các quỹ từ thặng dư của hoạt động sản xuất kinh doanh đưa vào tài khoản 642 là Chi phí quản lý của hoạt động SXKD, dịch vụ. Từ quan điểm 1 và quan điểm 2 sẽ có những bất cập như sau: - Cách hạch toán theo quan điểm 1 và đúng theo Thông tư 107/2017/TT-BTC thì chỉ tiêu 91 của biểu B01/BCQT sẽ = số liệu ở cột 6 của biểu F01-01 /BCQT (Nguồn hoạt động khác được để lại) + số đã phân phối, trích lập các quỹ từ thặng dư của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trường hợp nếu chỉ tiêu 91 trên biểu B01/BCQT chỉ lấy = với số liệu ở cột 6 của biểu F01-01 /BCQT số liệu trên cho chỉ tiêu 94 (số dư kinh phí được phép chuyển sang năm sau sử dụng và quyết toán) trên biểu B01/BCQT chưa trừ đi số đã trích lập các quỹ từ thặng dư của hoạt động sản xuất kinh doanh. Dẫn đến số thặng dư từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ đã được phân phối, trích lập các quỹ và đã sử dụng rồi nhưng số liệu trên cho chỉ tiêu 94 biểu B01/BCQT là số kinh phí còn lại chuyển sang năm sau = số số đã trích lập các quỹ từ thặng dư của hoạt động sản xuất kinh doanh + số kinh phí chưa sử dụng. Với cách hạch toán như trên thì trong những năm qua địa phương đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Sở hạch toán như thế: vừa phản ảnh được số đã sử dụng phân phối trích lập như đã nêu trên (do không phải là khoản chi phí nên không hạch toán vào tài khoản 642); đồng thời chỉ tiêu 94 của biểu B01/BCQT bằng thực tế với số dư có tài khoản 4212 được phép chuyển sang năm sau. - Hạch toán theo quan điểm 2 sẽ dẫn đến: + Doanh thu = chi phí, như vậy Đề án sử dụng tài sản công sử dụng vào mục đích cho thuê, liên kết được quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công không có hiệu quả; + Mặc khác, sẽ làm tăng chi phí quản lý, không đúng nguyên tắc về hạch toán kế toán chi phí quản lý của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; một số hoạt động kinh tế chủ yếu của tài khoản 421 “Thặng dư (thâm hụt) lũy kế; việc kết chuyển doanh thu, chi phí, xác định và phản ánh kết quả các hoạt động của đơn vị hành chính, sự nghiệp trong một kỳ kế toán năm không đúng quy định và hướng dẫn tại Thông tư 107/2017/TT-BTC. Trân trọng kính trình ./.
27/05/2022
Trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi về (1) Việc hạch toán trích lập Quỹ từ thặng dư hoạt động sản xuất kinh doanh tại ĐVSNCL và (2) Việc quyết toán với hoạt động sản xuất kinh doanh theo Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm Thông tư 107/2017/TT-BTC. Về vấn đề này Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán- Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về hạch toán trích lập Quỹ:

Tại Phụ lục số 02 Thông tư 107, nội dung tài khoản 421- “Thặng dư (thâm hụt) lũy kế” đã quy định nguyên tắc và một số bút toán kết chuyển doanh thu, chi phí, xác định kết quả hoạt động, trích lập Quỹ. Việc trích lập quỹ là việc phân phối kết quả hoạt động cuối năm của đơn vị, không phát sinh trong năm. Đề nghị độc giả nghiên cứu hướng dẫn của Thông tư 107 để thực hiện đúng quy định.

2. Về việc quyết toán với hoạt động sản xuất kinh doanh:

Nội dung hướng dẫn lập Báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động (Mẫu B01/BCQT) tại Phụ lục số 04 Thông tư 107 có quy định việc thực hiện quyết toán đối với các nguồn kinh phí, bao gồm: nguồn ngân sách trong nước; nguồn phí được khấu trừ để lại và nguồn hoạt động khác được để lại. Trong đó nguồn kinh phí hoạt động khác được để lại là các khoản thu hoạt động khác phát sinh tại đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao dự toán (hoặc không giao dự toán) và yêu cầu đơn vị phải báo cáo quyết toán theo Mục lục NSNN phần được để lại đơn vị. Do yêu cầu lập BCQT được xây dựng theo quy định của cơ chế tài chính, vì vậy đối với nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ trong Thông tư 107 không có quy định về việc lập BCQT. Theo đó, các chỉ tiêu trên Báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động (Mẫu B01/BCQT) và Báo cáo chi tiết chi từ nguồn NSNN và nguồn phí được khấu trừ để lại (Phụ biểu F01-01/BCQT) như thư hỏi của độc giả không phản ánh số liệu liên quan đến nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.

Gửi phản hồi: