Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, Theo Thông tư 16/2018/TT-BTC hướng dẫn về chế độ tài chính của TCTD, tại Điều 5 về Nguyên tắc ghi nhận doanh thu quy định như sau: “Đối với các Khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào thu nhập”. Nội dung trên được đặt thành 1 mục riêng trong Điều 5, ngang hàng với các mục quy định từng khoản thu nhập, được hiểu nguyên tắc trên được áp dụng không chỉ với thu nhập lãi, mà còn với các khoản thu nhập khác (trong đó có các khoản thu nhập từ phí). Như vậy, nếu theo nội dung trên, tôi hiểu rằng đối với các khoản doanh thu trong hoạt động của các TCTD, khi đến kỳ hạn thu mà không thu được sẽ thực hiện thoái doanh thu và theo dõi trên ngoại bảng mà không thực hiện việc giữ nguyên khoản phải thu trên nội bảng và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Theo Điều 3 Thông tư 96/2015/TT-BTC về thuế TNDN thì: “Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau: …Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua…” Với các nội trung trên, tôi đang chưa rõ: Trong hoạt động cung ứng dịch vụ của các TCTD (bao gồm cả các hoạt động dịch vụ có thu phí như thu phí phí quản lý tài khoản, phí quản lý tài sản bảo đảm, phí dịch vụ tư vấn…), thì khi xác định doanh thu tính thuế, nếu quá hạn thanh toán, TCTD có được thoái phần doanh thu chưa thu được và theo dõi ngoại bảng theo quy định của Thông tư 16/2018/TT-BTC hay không? Hay vẫn phải theo dõi khoản phải thu trên nội bảng (không được thoái ghi giảm thu nhập) và thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo thông tư 48/2019/TT-BTC? Trường hợp cách xác định doanh thu tính thuế theo các quy định về thuế TNDN có sự khác biệt với Thông tư hướng dẫn Chế độ tài chính của TCTD thì sẽ phát sinh sự chênh lệch lớn giữa doanh thu tính thuế và doanh thu kế toán và công tác thiết kế hệ thống, vận hành của TCTD gặp phải trở ngại lớn khi phải thiết kế hệ thống theo 2 nguyên tắc khác nhau. Quan điểm của tôi là doanh thu tính thuế sẽ cần tuân theo các quy định chuyên ngành trước, theo đó với TCTD sẽ tuân theo Thông tư 16/2018/TT-BTC (áp dụng cho cả doanh thu từ lãi và doanh thu từ phí). Vậy rất mong Bộ Tài chính giải đáp giúp tôi nội dung vướng mắc nêu trên. Tôi xin chân thành cảm ơn. Độc giả Trần Thị Thu Quỳnh
11/05/2022
Trả lời:

- Căn cứ Điều 5 Thông tư số 16/2018/TT- BTC ngày 07/02/2018 của Bộ tài chính hướng dẫn về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định về nguyên tắc ghi nhận doanh thu:

“Điều 5. Nguyên tắc ghi nhận doanh thu

Nguyên tắc ghi nhận doanh thu đối với các Khoản thu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại Điều 16 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP như sau:

1. Việc xác định doanh thu khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

7. Đối với các Khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.”

-  Căn cứ Điều 3 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

“Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:

2. Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

a) Đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.

b) Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua trừ trường hợp nêu tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC.

…”

-  Căn cứ Điều 6 Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/08/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp quy định về dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Điều 6. Dự phòng nợ phải thu khó đòi

1. Đối tượng lập dự phòng là các khoản nợ phải thu (bao gồm cả các khoản doanh nghiệp đang cho vay và khoản trái phiếu chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp đang sở hữu) đã quá hạn thanh toán và các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng doanh nghiệp không thu hồi được đúng hạn, đồng thời đảm bảo điều kiện sau:

a) Phải có chứng từ gốc chứng minh số tiền đối tượng nợ chưa trả, bao gồm:

- Một trong số các chứng từ gốc sau: Hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, cam kết nợ;

- Bản thanh lý hợp đồng (nếu có);

- Đối chiếu công nợ; trường hợp không có đối chiếu công nợ thì phải có văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát);

- Bảng kê công nợ;

- Các chứng từ khác có liên quan (nếu có).

b) Có đủ căn cứ xác định là khoản nợ phải thu khó đòi:

- Nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán từ 06 tháng trở lên (tính theo thời hạn trả nợ gốc ban đầu theo hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác, không tính đến thời gian gia hạn trả nợ giữa các bên), doanh nghiệp đã gửi đối chiếu xác nhận nợ hoặc đôn đốc thanh toán nhưng vẫn chưa thu hồi được nợ.

- Nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng doanh nghiệp thu thập được các bằng chứng xác định đối tượng nợ có khả năng không trả được nợ đúng hạn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

…”

Căn cứ các quy định nêu trên, thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua (trừ trường hợp nêu tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 96/2015/TT-BTC. Đối với các khoản nợ phải thu khó đòi thì việc dự phòng nợ phải thu khó đòi thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/08/2019 của Bộ Tài chính.

Đề nghị Độc giả nghiên cứu các quy định pháp luật nêu trên và đối chiếu với tình hình thực tế để thực hiện theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc đề nghị Độc giả cung cấp hồ sơ cụ thể và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được giải đáp cụ thể.

Gửi phản hồi: