Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Ban Biên tập. Tôi đang công tác tại Sở Tài chính, qua nghiên cứu Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tôi có vướng mắc như sau: Tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 60 có nêu: “Căn cứ phương án tự chủ tài chính do các đơn vị sự nghiệp công đề xuất (không bao gồm phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công tại điểm a khoản 2 Điều này), cơ quan quản lý cấp trên xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định và xác định kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (trường hợp tại thời điểm thẩm định phương án tự chủ tài chính xác định được kinh phí đặt hàng cho đơn vị); dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức độ tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công, có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính, cơ quan tài chính ở địa phương theo phân cấp) xem xét, có ý kiến. Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý cấp trên xác định phân loại đơn vị và ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc; phê duyệt dự toán kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu phí được để lại chi; kinh phí ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (nếu có) cho các đơn vị theo phương án tự chủ tài chính năm đầu thời kỳ ổn định”. Như vậy, theo quy định sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý cấp trên xác định phân loại đơn vị và ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc. Kính đề nghị Ban Biên tập hướng dẫn cụm từ “cơ quan quản lý cấp trên” là đơn vị nào? Ví dụ: Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh trực thuộc Sở Y tế thì Sở Y tế ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho Bệnh viện hay Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho Bệnh viện. Ngoài ra, đối với những đơn vị trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy như Nhà khách Tỉnh ủy là đơn vị có sự nghiệp. Trường hợp này Văn phòng Tỉnh ủy ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho Nhà khách Tỉnh ủy hay Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho Nhà khách Tỉnh ủy. Rất mong nhận được hướng dẫn của Ban Biên tập. Trân trọng kính chào!
25/03/2022
Trả lời:

Tại Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, quy định: “Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 05 (năm) năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao (theo mẫu quy định tại Phụ luc II ban hành kèm theo Nghị định này), báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (bộ, cơ quan trung ương đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý)...”.

Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP nêu trên thì “cơ quan quản lý cấp trên” được hiểu là các bộ, cơ quan trung ương đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý.

Theo đó, đề nghị độc giả nghiên cứu các quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác (nếu có), làm căn cứ xác định cơ quan quản lý cấp trên để báo cáo dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Gửi phản hồi: