Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính Công ty chúng tôi tự xây dựng hệ thống phần mềm đã được ghi nhận đủ điều kiện là tài sản cố định vô hình theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam với thời gian khấu hao được xác định là 36 tháng. Từ năm 2020 đến nay công ty chúng tôi tiếp tục nâng cấp tính năng của hệ thống và dự kiến nghiệm thu các tính năng mới đủ điện kiện ghi nhận tăng giá trị tài sản cố định vô hình đồng thời dự kiến làm tăng thời gian sử dụng hữu ích của tài sản này. Công ty chúng tôi đã tìm hiểu và được biết theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn" ‘‘Điều 10. Xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định hữu hình 3. Thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định a) Trường hợp doanh nghiệp muốn xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định mới và đã qua sử dụng khác so với khung thời gian trích khấu hao quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này, doanh nghiệp phải lập phương án thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định trên cơ sở giải trình rõ các nội dung sau: - Tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ theo thiết kế; - Hiện trạng TSCĐ (thời gian TSCĐ đã qua sử dụng, thế hệ tài sản, tình trạng thực tế của tài sản); - Ảnh hưởng của việc tăng, giảm khấu hao TSCĐ đến kết quả sản xuất kinh doanh và nguồn vốn trả nợ các tổ chức tín dụng. - Đối với các tài sản hình thành từ dự án đầu tư theo hình thức B.O.T, B.C.C thì doanh nghiệp phải bổ sung thêm Hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. b) Thẩm quyền phê duyệt Phương án thay đổi thời gian trích khấu hao của tài sản cố định: - Bộ Tài chính phê duyệt đối với: + Công ty mẹ các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty do nhà nước nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên do các Bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; + Các công ty con do Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nắm giữ 51% vốn điều lệ trở lên. - Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt đối với các Tổng công ty, công ty độc lập do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có trụ sở chính trên địa bàn. Trên cơ sở Phương án thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được phê duyệt Phương án, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để theo dõi, quản lý. c) Doanh nghiệp chỉ được thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ một lần đối với một tài sản. Việc kéo dài thời gian trích khấu hao của TSCĐ bảo đảm không vượt quá tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ và không làm thay đổi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại tại năm quyết định thay đổi. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ không đúng quy định thì Bộ Tài chính, cơ quan thuế trực tiếp quản lý yêu cầu doanh nghiệp xác định lại theo đúng quy định. ’’ Và quy định tại Điều 11 hướng dẫn ‘‘Điều 11. Xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định vô hình 1. Doanh nghiệp tự xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định vô hình nhưng tối đa không quá 20 năm. 2. Đối với TSCĐ vô hình là giá trị quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sử dụng đất thuê, thời gian trích khấu hao là thời gian được phép sử dụng đất của doanh nghiệp. 3. Đối với TSCĐ vô hình là quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, quyền đối với giống cây trồng, thì thời gian trích khấu hao là thời hạn bảo hộ được ghi trên văn bằng bảo hộ theo quy định (không được tính thời hạn bảo hộ được gia hạn thêm).’’ Như vậy, trường hợp công ty chúng tôi thay đổi thời gian khấu hao của tài sản cố định vô hình là hệ thống phần mềm máy tính và vẫn trong khung khấu hao quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 45/2013/TT-BTC thì cần thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư 45/2013/TT-BTC nữa hay không. Nếu chỉ cần thực hiện hướng dẫn theo Điều 11 Thông tư 45/2013/TT-BTC thì công ty chúng tôi cần nộp hồ sơ gì cho Cơ quan Thuế nữa không.
28/01/2022
Trả lời:

Đối với nội dung này, ngày 26/01/2022, Bộ Tài chính có công văn số 861/BTC-TCDN trả lời doanh nghiệp, theo đó, Bộ Tài chính đã có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định:

- Khoản 1 Điều 11 về xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định (TSCĐ) vô hình: “1. Doanh nghiệp tự xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định vô hình nhưng tối đa không quá 20 năm.”

- Khoản 3, 4 Điều 13 về phương pháp trích khấu hao tài sản cố định:

“3. Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ theo quy định tại Thông tư này và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.

4. Phương pháp trích khấu hao áp dụng cho từng TSCĐ mà doanh nghiệp đã lựa chọn và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình sử dụng TSCĐ. Trường hợp đặc biệt cần thay đổi phương pháp trích khấu hao, doanh nghiệp phải giải trình rõ sự thay đổi về cách thức sử dụng TSCĐ để đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Mỗi tài sản cố định chỉ được phép thay đổi một lần phương pháp trích khấu hao trong quá trình sử dụng và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp”.

Theo đó, thời gian khấu hao tài sản cố định vô hình thay đổi không vượt quá khung thời gian trích khấu hao các loại tài sản cố định tại Phụ lục I Thông tư số 45/2013/TT-BTC (như đề nghị của Công ty tại văn bản số 241221/CV-ECOSG) không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài chính.

Công ty tự quyết định thời gian trích khấu hao TSCĐ và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện. Ngoài ra, việc xác định lại mức trích khấu hao và phương pháp trích khấu hao của TSCĐ cần đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Xin trân trọng cám ơn sự quan tâm của quý độc giả./.


Gửi phản hồi: