- Tại gạch đầu dòng thứ 6 điểm a Khoản 4 Điều 6 Thông
tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập
và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư,
nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây
dựng tại doanh nghiệp quy định (Thông
tư số 48/2019/TT-BTC):
“4. Xử lý tài chính các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi:
- Khoản nợ phải thu đã được trích lập 100% dự phòng theo quy định tại gạch
đầu dòng thứ 4 điểm a khoản 2 Điều này mà sau 03 năm tính từ thời điểm doanh
nghiệp trích lập đủ 100% dự phòng mà vẫn chưa thu hồi được nợ.”
- Tại
gạch đầu dòng thứ 4 điểm a Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 48/2019/TT-BTC quy định:
“2. Mức trích lập:
a) Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng như sau:
...
- 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.”
- Tại
điểm b Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 48/2019/TT-BTC quy định:
“b) Nợ phải thu không có khả năng thu hồi quy định tại điểm a khoản 4 Điều
này khi có đủ các tài liệu chứng minh, cụ thể như sau:
- Sổ kế toán, chứng từ, tài liệu chứng minh khoản nợ
chưa thu hồi được đến thời điểm xử lý nợ doanh nghiệp đang hạch toán nợ phải
thu trên sổ kế toán của doanh nghiệp như: hợp đồng kinh tế; khế ước vay nợ; cam
kết nợ; bản thanh lý hợp đồng (nếu có); đối chiếu công nợ (nếu có); văn bản đề
nghị đối chiếu công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu
điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát); bảng kê công nợ và các chứng từ
khác có liên quan.
- Trường hợp đối với tổ chức kinh tế:
+ Đối tượng nợ đã phá sản: có quyết định của Tòa án tuyên bố phá sản doanh
nghiệp theo Luật phá sản.
+ Đối tượng nợ đã ngừng hoạt động, giải thể: có văn bản xác nhận hoặc thông
báo bằng văn bản/thông báo trên trang điện tử chính thức của cơ quan quyết định
thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan thuế quản
lý trực tiếp về việc doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động hoặc giải thể; hoặc
khoản nợ đã được doanh nghiệp, tổ chức khởi kiện ra tòa án theo quy định, có bản
án, quyết định của tòa và có ý kiến xác nhận của cơ quan thi hành án về việc đối
tượng nợ không có tài sản để thi hành án.
+ Đối với khoản nợ phải thu nhưng đối tượng nợ đã được cơ quan có thẩm quyền
quyết định cho xoá nợ theo quy định của pháp luật; khoản chênh lệch thiệt hại
được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho bán nợ.
- Trường hợp đối với cá nhân:
+ Giấy chứng tử (bản sao chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc) hoặc xác nhận của
chính quyền địa phương đối với đối tượng nợ đã chết.
+ Lệnh truy nã; hoặc xác nhận của cơ quan pháp luật đối với đối tượng nợ đã
bỏ trốn; hoặc xác nhận của cơ quan pháp luật về việc đối tượng nợ không còn ở
nơi cư trú đối với khoản nợ phải thu cước dịch vụ viễn thông, công nghệ thông
tin, truyền hình trả sau của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn
thông; hoặc đang bị truy tố, đang thi
hành án.
- Các hồ sơ, tài liệu chứng minh khoản nợ phải thu đã được trích lập 100% dự
phòng theo quy định tại gạch đầu dòng thứ 4 điểm a khoản 2 Điều này mà sau 03
năm tính từ thời điểm doanh nghiệp trích lập đủ 100% dự phòng mà vẫn chưa thu hồi
được nợ hoặc khoản nợ phải thu đã được trích lập 100% dự phòng theo quy định tại
gạch đầu dòng thứ 4 điểm b khoản 2 Điều này mà sau 01 năm tính từ thời điểm
doanh nghiệp trích lập đủ 100% dự phòng mà vẫn chưa thu hồi được nợ.”
Như vậy, trường hợp Công
ty xử lý tài chính các khoản phải thu công nợ không có khả năng thu hồi thuộc
trường hợp gạch đầu dòng thứ 6 điểm a khoản 4 Điều 6 thì phải đầy đủ hồ sơ tài
liệu về khoản phải thu (bao gồm cả đối tượng nợ) theo quy định tại gạch đầu
dòng thứ nhất và gạch đầu dòng thứ tư điểm b khoản 4 Điều 6 Thông tư số 48/2019/TT-BTC.