Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 228/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức quy định: "Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp được để lại 100% số tiền phí thu được để trang trải cho các nội dung chi theo quy định tại khoản 4 Điều này. Như vậy, trường hợp số tiền phí thu được không đủ trang trải chi phí tổ chức tuyển dụng của đơn vị sự nghiệp, ngân sách có được cấp bổ sung nguồn kinh phí nhiệm vụ không thường xuyên cho ĐVSN phần kinh phí còn thiếu không? Trân trọng cảm ơn./.
11/11/2021
Trả lời:

1. Do thông tin độc giả cung cấp chưa nêu rõ đơn vị độc giả đang công tác thuộc loại hình đơn vị tự chủ tài chính nào, hoạt động trong lĩnh vực sự nghiệp nào? Vì vậy, Bộ Tài chính hướng dẫn nguyên tắc chung như sau:

a) Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; theo đó:

- Tại Điều 11 Mục 1 Chương II Nghị định quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2) quy định:

Điều 11. Nguồn tài chính của đơn vị

“1. Nguồn ngân sách nhà nước

2. Nguồn thu hoạt động sự nghiệp

a) Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

b) Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

c) Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

3. Nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

4. Nguồn vốn vay; vốn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

5. Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Tại Điều 15 mục 2 Chương II Nghị định quy định tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (Đơn vị nhóm 3) quy định:

Điều 15. Nguồn tài chính của đơn vị

“1. Nguồn ngân sách nhà nước

...

2. Nguồn thu hoạt động sự nghiệp

a) Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

b) Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

c) Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

3. Nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

4. Nguồn vốn vay của đơn vị; nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

5. Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Tại Điều 19 Mục 3 Chương II Nghị định quy định tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (Đơn vị nhóm 4):

Điều 19. Nguồn tài chính của đơn vị

“1. Nguồn ngân sách nhà nước, gồm:

2. Nguồn thu hoạt động sự nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công (nếu có).

3. Nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

4. Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

b) Ngoài ra, căn cứ Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phíquy định như sau:

Điều 4. Nguyên tắc quản lý và sử dụng phí

1. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước.

Cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động bao gồm:

a) Cơ quan thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

b) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

c) Cơ quan công an, quốc phòng được giao cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí theo quy định của Luật phí và lệ phí.

2. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước.

3. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Số tiền phí được để lại là doanh thu của tổ chức thu phí”.

Căn cứ các quy định nêu trên và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đối với chi phí tổ chức tuyển dụng của đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị đơn vị sắp xếp kinh phí trong phạm vi nguồn thu của đơn vị và các nguồn kinh phí khác để thực hiện, ngân sách nhà nước không bổ sung.

Bộ Tài chính thông tin đến Quý độc giả để biết và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Gửi phản hồi: