Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Vĩnh Phúc (sau đây gọi là Ban Quản lý dự án giao thông) là đơn vị sự nghiệp đặc thù, áp dụng cơ chế tự chủ tài chính tự đảm bảo chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ và được thành lập theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Theo quyết định thành lập, Ban có một số chức năng nhiệm vụ như: Thực hiện một số chức năng, quyền hạn của chủ đầu tư; thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án; nhận uỷ thác quản lý dự án; giám sát thi công… Nguồn chi phí hoạt động của Ban được lấy từ các nguồn chi phí thực hiện các nhiệm vụ được giao và được lập dự toán thu, dự toán chi hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/1/2019 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi thông tư 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017).

Trong quá trình thực hiện quyết toán dự án hoàn thành, liên quan đến giá trị quyết toán chi phí giám sát thi công do Ban làm chủ đầu tư tự thực hiện có một số khó khăn vướng mắc, Ban Quản lý dự án Giao thông xin được hướng dẫn và làm rõ như sau:

Dự án A được khởi công trong năm 2020 và kết thúc năm 2021. Ban Quản lý dự án Giao thông là chủ đầu tư tự thực hiện quản lý dự án và giám sát thi công công trình theo đúng quy định và phù hợp với năng lực. Khi lập dự toán thu-chi quản lý dự án của năm 2020 và năm 2021, Ban Quản lý đã không đưa nguồn thu của 02 nhiệm vụ trên vào tổng nguồn thu thực hiện trong năm bởi lý do sau:

Năm 2020: Khi lập dự toán thu-chi, do nguồn kinh phí trích từ các dự án khác đã đảm bảo cân đối giữa nguồn thu-chi trong năm nên Ban Quản lý dự án Giao thông không đưa chi phí giám sát thi công dự án này vào dự toán.

Năm 2021do dự án đã hoàn thành, đang chờ quyết toán và dự án không được bố trí kế hoạch vốn trong năm nên khi xây dựng dự toán thu-chi của năm, Ban Quản lý dự án giao thông cũng không đưa chi phí giám sát thi công dự án này vào dự toán (Dự kiến sau khi công trình được quyết toán hoàn thành và được bố trí vốn sẽ đưa vào dự toán thu-chi của năm được bố trí vốn). Hơn nữa, tại Điểm 2, mục số 13, Điều 1, Thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/1/2019, sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Thông tư 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính như sau:

“2. Thực hiện dự toán thu, chi:

a) Đối với các nguồn thu: BQLDA quản lý các nguồn thu theo tình hình thực tế trong năm của đơn vị. Tùy điều kiện cụ thể của nguồn thu và nhiệm vụ thực hiện tương ứng theo từng dự án, BQLDA chịu trách nhiệm xác định:

- Nguồn thu được sử dụng trong năm (khoản để sử dụng, đảm bảo dự toán chi thường xuyên trong năm);

- Nguồn thu chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng (khoản thu chưa thực hiện nhiệm vụ hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ trong năm).”

Theo quy định nêu trên thì việc xác định nguồn thu trong năm do Ban Quản lý dự án căn cứ vào tình hình thực tế trong năm để xác định. Tuy nhiên khi thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành, cơ quan thẩm tra kiến nghị không chấp nhận quyết toán chi phí giám sát thi công của chủ đầu tư tự thực hiện do chưa đưa vào dự toán thu của năm (2020 hoặc 2021) trước khi trình thẩm tra quyết toán.

Ban Quản lý dự án giao thông xin được hỏi: Việc cơ quan thẩm tra quyết toán loại trừ giá trị giám sát thi công của dự án A nêu trên đã được thực hiện hoàn thành với lý do chi phí này chưa được đưa vào dự toán thu của chủ đầu tư trước khi trình thẩm tra phê duyệt quyết toán có phù hợp với quy định hiện hành không.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Vĩnh Phúc xin rất mong nhận được sự quan tâm giải đáp của Bộ Tài chính. Xin chân thành cảm ơn.

28/10/2021
Trả lời:

1. Về quyết toán thu, chi quản lý dự án như sau:   

Tại khoản 5 Điều 22 Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước quy định nội dung quyết toán thu, chi quản lý dự án của Ban Quản lý dự án nhóm II:

Khi từng dự án được giao quản lý hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, các khoản chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng,...tính trong tổng mức đầu tư của từng dự án được quyết toán theo đúng định mức trích (tỷ lệ %) hoặc dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tổng mức đầu tư của dự án.

2. Về quyết toán dự án hoàn thành:

 Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước như sau:

- Tại Điều 3 quy định chi phí đầu tư được quyết toán

“Chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, dự toán được duyệt và hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật (đối với những công việc thực hiện theo hợp đồng) kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền. Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được duyệt hoặc được điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật.”

- Tại Điều 14 quy định về thẩm tra chi phí đầu tư: Căn cứ tổng mức đầu tư được duyệt và báo cáo theo Mẫu số 04/QTDA, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán thực hiện thẩm tra theo cơ cấu chi phí ghi trong tổng mức đầu tư: Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác.

Khoản 5. Thẩm tra chi phí quản lý dự án:

a) Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Thực hiện theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

b) Đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước khác: Chi phí quản lý dự án và những khoản chi phí tư vấn đầu tư xây dựng do chủ đầu tư, ban quản lý tự thực hiện được quyết toán là số chi thực tế đúng quy định và tối đa không vượt chi phí trong dự án hoặc dự toán được phê duyệt. 

c) Đối với dự án do chủ đầu tư, ban quản lý dự án quản lý 01 dự án thực hiện quản lý: Xem xét các chứng từ chi tiêu đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ theo quy định đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Việc quản lý tài sản của ban quản lý dự án khi dự án kết thúc thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn.

Khoản 6. Thẩm tra chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình và các chi phí khác:

a) Đối với các khoản chi phí tư vấn và chi phí khác tính theo định mức tỷ lệ phần trăm: Kiểm tra các điều kiện quy định trong việc áp dụng định mức tỷ lệ để xác định giá trị chi phí của từng loại công việc.

- Tại điểm a khoản 1 Điều 17 quy định thẩm tra xác định công nợ:

a) Căn cứ kết quả thẩm tra chi phí đầu tư, số tiền đã thanh toán cho các nhà thầu của chủ đầu tư để xác định rõ từng khoản nợ phải thu, nợ phải trả theo đúng đối tượng.

Do vậy, chi phí giám sát thi công của chủ đầu tư đã thực hiện nhưng chưa được thanh toán thực hiện theo quy định nêu trên.

Đề nghị Quý độc giả căn cứ vào những quy định nêu trên để thực hiện.

Gửi phản hồi: