Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính Đơn vị tôi đang công tác là đơn vị sự nghiệp công lập, được giao quyền tự chủ tài chính. Năm 2020, Đơn vị tôi được UBND tỉnh quyết định phê duyệt mua sắm tài sản cố định từ nguồn cải cách tiền lương tại đơn vị và đã làm thủ tục mua sắm theo quy định của pháp luật. Căn cứ các chứng từ, tài liệu liên quan, kế toán đơn vị đã ghi tăng tài sản cố định (giả định là 100 triệu đồng), cuối năm tính số hao mòn tài sản cố định (giả định tỷ lệ hao mòn là 10% tương đương 10 triệu đồng) và đơn vị đã hạch toán theo hướng dẫn của Thông tư 107/2017/TT-BTC. Tuy nhiên, khi phản ánh trên tài khoản 468 – Nguồn cải cách tiền lương, đơn vị thấy có một số vướng mắc như sau: Theo Thông tư 107/2017/TT-BTC, hướng dẫn phương pháp hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu của Tài khoản 468 – Nguồn kinh phí cải cách tiền lương: “Cuối năm, đơn vị phải kết chuyển phần đã chi từ nguồn cải cách tiền lương trong năm, ghi: Nợ TK 468- Nguồn cải cách tiền lương Có TK 421 - Thặng dư (thâm hụt) lũy kế” Theo đơn vị, định khoản trên chỉ phù hợp với những khoản chi ngắn hạn, được phản ánh ngay trong một kỳ kế toán, còn nếu “phần đã chi từ nguồn cải cách tiền lương trong năm” phải phân bổ cho nhiều kỳ thì không phù hợp, lý do: - Nếu hạch toán toàn bộ “phần đã chi từ nguồn cải cách tiền lương” đúng bằng nguyên giá tài sản 100 triệu đồng thì tài khoản 421 phát sinh có là 100 triệu đồng trong khi chi phí phát sinh thực tế (hao mòn) của năm 2020 là 10 triệu đồng, thì tài khoản 421 có số dư thặng dư của riêng hoạt động mua sắm này là 90 triệu đồng, số tiền này bản chất không phải là thặng dư do chênh lệch tạo ra từ doanh thu và chi phí mà đó là giá trị còn lại của tài sản sẽ được tính hao mòn trong 9 năm tiếp theo. Việc theo dõi giá trị còn lại của tài sản cố định trên tài khoản 421 là không phù hợp, điều này dễ gây nhầm lẫn số thặng dư của đơn vị. Trong khi đó, những tài sản cố định nếu được mua từ Quỹ phúc lợi hoặc Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp đều có tài khoản chi tiết để phản ánh giá trị còn lại của tài sản cố định, đó là tài khoản 43122 – Quỹ phúc lợi hình thành tài sản cố định và 43142 – Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hình thành tài sản cố định... - Ngược lại, trong định khoản trên, nếu hạch toán toàn bộ “phần đã chi từ nguồn cải cách tiền lương” chỉ phản ánh đúng bằng khoản chi phí hao mòn thực tế phát sinh trong năm là 10 triệu đồng (90 triệu đồng còn lại được phân bổ trong 9 năm tiếp theo), thì việc hạch toán như trên phản ánh không chính xác nguồn tài trợ hình thành tài sản cố định. Nguồn tài trợ hình thành tài sản cố định hay “Phần đã chi từ nguồn cải cách tiền lương” phản ánh còn thiếu 90 triệu đồng. Do đó đơn vị đề xuất giải pháp: Bổ sung 2 tài khoản chi tiết của Tài khoản 468 – Nguồn kinh phí cải cách tiền lương (tương tự như Quỹ phúc lợi hoặc Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp) đó là Tài khoản 4681 – Nguồn cải cách tiền lương và Tài khoản 4682 – Nguồn cải cách tiền lương hình thành tài sản cố định. Hạch toán đầu tư, mua sắm tài sản từ Nguồn cải cách tiền lương tương tự như hạch toán đầu tư, mua sắm từ Quỹ phúc lợi hoặc Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo hướng dẫn của Thông tư 107/2017/TT-BTC. Kính đề nghị Bộ Tài chính xem xét giải pháp đề xuất và hướng dẫn hạch toán đầu tư, mua sắm tài sản từ Nguồn cải cách tiền lương để đơn vị tôi thực hiện. Trân trọng cảm ơn./.
16/08/2021
Trả lời:

Nội dung trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi về bút toán hạch toán mua sắm TSCĐ từ nguồn cải cách tiền lương của đơn vị theo quy định chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC. Về vấn đề này Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán- Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Theo Phụ lục số 02, Thông tư 107/2017/TT-BTC về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, Tài khoản 468- Nguồn cải cách tiền lương phản ánh số hiện có và tình hình biến động của nguồn cải cách tiền lương.

Theo quy định, kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 468- Nguồn cải cách tiền lương, thì tài khoản 468 có số dư Có phản ánh nguồn cải cách tiền lương hiện còn chưa sử dụng.

Trường hợp trong năm đã chi từ nguồn cải cách tiền lương thì cuối năm, đơn vị phải thực hiện bút toán kết chuyển, ghi:

Nợ TK 468- Nguồn cải cách tiền lương

Có TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế.

Căn cứ quy định nêu trên, khi đơn vị đã sử dụng kinh phí cải cách tiền lương để mua sắm TSCĐ (căn cứ phê duyệt của cấp có thẩm quyền) thì phải phản ánh giảm nguồn cải cách tiền lương.

Theo đó, giá trị còn lại của TSCĐ hình thành từ nguồn kinh phí cải cách tiền lương được theo dõi trên TK 421 “Thặng dư (thâm hụt) lũy kế”, đơn vị có thể mở chi tiết của tài khoản 421 theo dõi riêng số liệu này để tránh nhầm lẫn. Việc phân phối số tiết kiệm chi của đơn vị từ TK 421 “Thặng dư (thâm hụt) lũy kế” phải được thực hiện theo cơ chế tài chính mà đơn vị áp dụng.

   Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.

Gửi phản hồi: