Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Công ty chúng tôi có trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm hàng hóa, Căn cứ thông tư Số: 48/2019/TT-BTC ban hành ngày 8/8/2019 về việc trích lập dự phòng. Điều 7. Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng 1. Đối tượng và điều kiện lập dự phòng: là những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng do doanh nghiệp thực hiện đã bán, đã cung cấp hoặc đã bàn giao cho người mua còn trong thời hạn bảo hành và doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện, bảo hành theo hợp đồng hoặc cam kết với khách hàng. Tuy nhiên chúng tôi đang có 2 cách hiểu như sau: 1. Cách hiểu 1: Trích lập bảo hành vào thời điểm cuối kỳ kế toán năm, căn cứ vào những sản phẩm hàng hóa đã bán trong kỳ và được cam kết bảo hành với khách hàng bằng phiếu bảo hành, tem bảo hành, hợp đồng bán hàng, báo giá. Khoản “ dự phòng” rủi ro này không phụ thuộc vào việc hàng hóa trích lập còn được nhà cung cấp bảo hành cho chúng tôi hay không. Vì thời điểm trích lập là cuối năm, mà hàng hóa bảo hành căn cứ vào thời điểm khách hàng mang đến bảo hành sửa chữa, nên không thể xác định trách nhiệm bảo hành thuộc về công ty chúng tôi hay thuộc về nhà cung cấp vào thời điểm cuối năm tài chính. 2. Cách hiểu 2: Trích lập bảo hành vào thời điểm cuối năm căn cứ vào những hàng hóa mà nhà cung cấp đã hết trách nhiệm bảo hành cho chúng tôi. Vậy chúng tôi xin hỏi là hiểu và thực hiện theo cách nào là đúng, cách nào là sai?
24/08/2021
Trả lời:

- Tại Khoản 1, 2, 4 Điều 7 Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 48) quy định:

“Điều 7. Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng

1. Đối tượng và điều kiện lập dự phòng: là những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng do doanh nghiệp thực hiện đã bán, đã cung cấp hoặc đã bàn giao cho người mua còn trong thời hạn bảo hành và doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện, bảo hành theo hợp đồng hoặc cam kết với khách hàng.

2. Mức trích lập:

Doanh nghiệp dự kiến mức tổn thất để trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng đã tiêu thụ và dịch vụ đã cung cấp trong năm và tiến hành lập dự phòng cho từng loại sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng có cam kết bảo hành.

Tổng mức trích lập dự phòng bảo hành của các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng theo cam kết với khách hàng nhưng tối đa không quá 05% tổng doanh thu tiêu thụ trong năm đối với các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và không quá 05% trên giá trị hợp đồng đối với các công trình xây dựng.

...

4. Tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm, căn cứ tình hình tiêu thụ, bàn giao sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng và các cam kết bảo hành tại hợp đồng hoặc các văn bản quy định liên quan, doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng theo quy định...”

Đề nghị độc giả căn cứ theo quy định trên, hóa đơn chứng từ, hợp đồng bảo hành để xác định hàng hóa, sản phẩn thực hiện trích lập dự phòng bảo hành hàng hóa theo đúng quy định./.

Gửi phản hồi: