Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Tôi là Nguyễn Thị Mai Hương- cán bộ phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, trong quá trình điều hành ngân sách tôi muốn hỏi Quý Bộ nội dung như sau:

1. Theo khoản a mục 2 điều 3 Thông tư số 109/2020/TT-BTC ngày 25/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán năm 2021: "Đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ dự toán Bộ Tài chính hướng dẫn, chế độ chính sách, khối lượng nhiệm vụ trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Sau khi đã đảm bảo các nhiệm vụ chi sự nghiệp theo quy định, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các nhiệm vụ có tính chất đầu tư đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương:" Như vậy theo như tôi hiểu nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường chi theo quy định trên chỉ bao gồm nguồn sự nghiệp môi trường ngân sách được Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách địa phương theo Theo quy định tại điều 3 mục 1 Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường như vậy có đúng không.

2. Tại khoản 1, điều 8 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ Nghị định về phí bảo vệ môi trường trường đối với khai thác khoáng sản quy định: “…Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là Khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật bảo vệ môi trường và Luật ngân sách nhà nước, theo các nội dung cụ thể sau đây: a) Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; b) Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; c) Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.”

Như vậy nguồn phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thực hiện chi theo quy định Tại khoản 1, điều 8 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ Nghị định về phí bảo vệ môi trường trường đối với khai thác khoáng sản quy định hay phải thực hiện chi Theo khoản a mục 2 điều 3 Thông tư số 109/2020/TT-BTC ngày 25/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán năm 2021. Nguồn thu phí bảo vệ môi trường cho được phép chi cho đầu tư các công trình phục vụ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản hay không? Rất mong quý bộ trả lời sớm nhất để tôi có cơ sở giải ngân nguồn vốn phí bảo vệ môi trường của địa phương năm 2021. Tôi xin chân thành cảm ơn quý Bộ.
10/09/2021
Trả lời:

         1. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó đã định hướng “riêng NSNN cần có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng chi để bảo đảm đến năm 2006 đạt mức chi không dưới 1% tổng chi NSNN và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”. Theo đó, mức bố trí chi sự nghiệp môi trường hàng năm không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), không tính trên tổng chi ngân sách địa phương.

Đồng thời, khoản a mục 2 điều 3 Thông tư số 109/2020/TT-BTC ngày 25/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán năm 2021 quy định: “Đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ dự toán Bộ Tài chính hướng dẫn, chế độ chính sách, khối lượng nhiệm vụ trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Sau khi đã đảm bảo các nhiệm vụ chi sự nghiệp theo quy định, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các nhiệm vụ có tính chất đầu tư đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.

Từ tình hình trên, căn cứ dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2021 đã được  HĐND, UBND cấp tỉnh giao, Tỉnh Thái Nguyên thực hiện chi sự nghiệp bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

2. Theo quy định tại Điều 37 Luật NSNN năm 2015 nguồn thu của ngân sách địa phương bao gồm các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% và các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật NSNN. Theo quy định tại Điều 38 Luật NSNN năm 2015, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương cho bảo vệ môi trường bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên.

Theo quy định tại Điều 147 Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/06/2014, nhiệm vụ chi của NSNN cho bảo vệ môi trường gồm chi đầu tư và chi thường xuyên.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản: “Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật bảo vệ môi trường và Luật NSNN”.

Như vậy, theo quy định của Luật NSNN năm 2015, nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, được cân đối chung các nhiệm vụ chi đầu tư, chi thường xuyên của ngân sách địa phương, trong đó có chi bảo vệ môi trường.

Gửi phản hồi: