Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Xin phép quý Bộ cho tôi được dùng chủ ngữ là tôi. Tôi đang thực hiện thẩm định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm ngày 31/12/2020 để làm cơ sở cho doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, do đó tôi áp dụng Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 và các văn bản pháp luật có liên quan đối với các hồ sơ có thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp trước ngày 01/07/2021. Tuy nhiên, tại thời điểm hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp (Sau ngày 01/07/2021) đã phát sinh vấn đề như sau: - Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27/04/2021 của Bộ Tài chính về việc Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 có hiệu lực từ ngày 01/07/2021 và thay thế Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12. - Thông tư số 36/2021/TT-BTC ngày 26/05/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018; Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09/10/2020 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ ngày 10/07/2021 và thay thế Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Thông tư số 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính. Vấn đề 1: Vậy tôi xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm trước ngày 01/07/2021 (Thời điểm 02 văn bản pháp luật trên chưa có hiệu lực), nhưng thời điểm thực hiện nghiệp vụ thẩm định giá, cũng như Báo cáo kết quả thẩm định giá là thời điểm 02 văn bản pháp luật mới nêu trên đã có hiệu lực thì tôi phải áp dụng văn bản pháp luật nào là chính xác, để không vi phạm về việc áp dụng sai văn bản pháp luật. Vấn đề 2: Nếu thực hiện theo các văn bản mới nêu trên thì giá trị thương hiệu (Bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử) của doanh nghiệp được xác định như thế nào? Vì tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 36/2021/TT-BTC ngày 26/05/2021 của Bộ Tài chính nêu “Tổ chức có chức năng thẩm định giá căn cứ các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) để xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn, trong đó giá trị thương hiệu (bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử) trong giá trị doanh nghiệp được xác định theo các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp theo quy định.”. Đối chiếu theo tiết a, điểm 5.5, khoản 5, mục II Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27/04/2021 của Bộ Tài chính có nêu “...Thẩm định viên xác định giá trị của tài sản vô hình không xác định được (bao gồm thương hiệu và tài sản vô hình không xác định được khác) thông qua các bước sau:...”. Vậy có phải giá trị thương hiệu (Bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử) đã được tính toán khi xác định giá trị vô hình không xác định được? Hay nói cách khác là, khi thẩm định viên xác định giá trị vô hình không xác định được của doanh nghiệp thì đã bao gồm cả việc xác định giá trị thương hiệu (Bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử) của doanh nghiệp? Kính xin ý kiến phản hồi, hướng dẫn về các nội dung trên từ Bộ Tài chính để việc thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp của tôi được đúng quy định pháp luật, không gây thất thoát vốn Nhà nước. Xin cảm ơn.
24/08/2021
Trả lời:

- Tại khoản 15 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“…c) Việc xác định giá khởi điểm khi đấu giá chuyển nhượng vốn: Doanh Nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về giá và thẩm định giá:

Tổ chức có chức năng thẩm định giá được lựa chọn các phương pháp định giá thích hợp theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để xác định giá khởi điểm; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định giá…”

 - Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 36/2021/TT-BTC quy định như sau: 2. Nguyên tắc, thẩm quyền quyết định và phương thức chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư ra ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP;khoản 12 và khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; khoản 15 khoản 16 Điều 2,  khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP. Tổ chức có chức năng thẩm định giá căn cứ các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) để xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn, trong đó giá trị thương hiệu (bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử) trong giá trị doanh nghiệp được xác định theo các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp theo quy định....”

- Tiết a điểm 5.5 mục 5 Phần III của Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12  ban hành kèm theo Thông tư số 28/2021/TT-BTC quy định: “...Thẩm định viên xác định giá trị của tài sản vô hình không xác định được (bao gồm thương hiệu và tài sản vô hình không xác định được khác) thông qua các bước sau:....”

         Theo các quy định nêu trên, doanh nghiệp thẩm định giá căn cứ các phương pháp thẩm định giá quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 để xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn, trong đó, giá trị thương hiệu nằm trong giá trị tài sản vô hình không xác định được theo quy định tại tiết a điểm 5.5 mục 5 Phần III của Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12.
              Bộ Tài chính đề nghị độc giả nghiên cứu, thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành./.

Gửi phản hồi: