Hỏi đáp CSTC

Hỏi:

 

Theo Thông tư 344/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường hướng dẫn UBND cấp xã giao cho 1 tổ chức, cá nhân tại xã để quản lý thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế để đảm công bằng, minh bạch thì UBND xã tổ chức đấu thầu dịch vụ chợ, đò... và số tiền UBND xã thu về cao hơn rất nhiều so với hình thức giao.

Vậy, cho tôi hỏi việc làm của UBND xã như vậy có đúng với các quy định hiện hành không?

15/06/2021
Trả lời:

Điều 16 Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn quy định:

“1. Tài chính các hoạt động sự nghiệp của xã bao gồm các khoản thu, chi phát sinh từ các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, văn hóa thông tin, thể dục thể thao, các hoạt động quản lý đò, chợ, đầm, hồ, ao, đất đai, tài nguyên, bến bãi và các hoạt động sự nghiệp khác do Ủy ban nhân dân xã trực tiếp đứng ra tổ chức và quản lý theo chế độ quy định.

2. Tài chính các hoạt động sự nghiệp của xã được tổ chức quản lý thống nhất theo nguyên tắc: ... Ủy ban nhân dân xã giao cho các bộ phận, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình của xã trực tiếp thực hiện từng loại hoạt động sự nghiệp. Các bộ phận, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được Ủy ban nhân dân xã giao phải lập kế hoạch tài chính hằng năm, tính toán đầy đủ các khoản thu, các khoản chi; số phải nộp ngân sách xã hoặc số hỗ trợ từ ngân sách xã theo chế độ quy định (nếu có) trình Ủy ban nhân dân xã phê duyệt để thực hiện, Ủy ban nhân dân xã có nhiệm vụ tổng hợp báo cáo kế hoạch tài chính và kết quả tài chính hàng năm của từng hoạt động sự nghiệp trình Hội đồng nhân dân xã. Hội đồng nhân dân xã giám sát các hoạt động sự nghiệp này ...”

Điều 7 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BCT ngày 23/01/2014 của Bộ Công Thương về phát triển và quản lý chợ[1] quy định:

“Chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng theo khoản 3 Điều 5 Nghị định này được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao cho các chủ thể tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý hoạt động tại chợ theo quy định sau:

a) Đối với chợ xây dựng mới, giao hoặc tổ chức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, khai thác quản lý chợ. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý chợ hoạt động theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;

b) Đối với chợ đang hoạt động do Ban Quản lý chợ điều hành, từng bước chuyển sang thực hiện theo quy định tại điểm a trên đây. Ban Quản lý chợ hoạt động theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

c) Đối với các chợ ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, giao cho các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đủ điều kiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý.”

Căn cứ quy định tại Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính, UBND xã có trách nhiệm giao cho các bộ phận, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình của xã trực tiếp thực hiện các hoạt động sự nghiệp trên địa bàn (bao gồm nhiệm vụ quản lý chợ, đò). Tuy nhiên, việc UBND xã tổ chức đấu thầu dịch vụ quản lý chợ, đò trên địa bàn nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch (đồng thời, trên thực tế hiệu quả thu NSNN từ khu vực chợ, đò do tổ chức, đơn vị trúng thầu quản lý cao hơn nhiều so với hình thức giao nhiệm vụ không qua đấu thầu) là phù hợp với nguyên tắc quản lý NSNN nêu tại khoản 1 Điều 8 Luật NSNN: “Ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp” và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (như Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BCT ngày 23/01/2014 của Bộ Công Thương về quản lý chợ).



[1] Hợp nhất Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP.

Gửi phản hồi: