Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính THEO ĐIỀU 112 THÔNG TƯ 200/2014/TT-BTC HƯỚNG DẪN LẬP VÀ TRÌNH BÀY BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN NĂM, kHOẢN 1.4. Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục (Mẫu B01-DN) có hướng dẫn: " + Các khoản tương đương tiền (Mã số 112) -Chỉ tiêu này phản ánh các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi không quá 3 tháng kể từ ngày đầu tư có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền tại thời điểm báo cáo. -Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ chủ yếu vào số dư Nợ chi tiết của tài khoản 1281 “Tiền gửi có kỳ hạn” (chi tiết các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng) và tài khoản 1288 “Các khoản đầu tư khác nắm giữ đến ngày đáo hạn” (chi tiết các khoản đủ tiêu chuẩn phân loại là tương đương tiền). Ngoài ra, trong quá trình lập báo cáo, nếu nhận thấy các khoản được phản ánh ở các tài khoản khác thỏa mãn định nghĩa tương tương tiền thì kế toán được phép trình bày trong chỉ tiêu này. Các khoản tương đương tiền có thể bao gồm: Kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng… -Các khoản trước đây được phân loại là tương đương tiền nhưng quá hạn chưa thu hồi được phải chuyển sang trình bày tại các chỉ tiêu khác, phù hợp với nội dung của từng khoản mục. -Khi phân tích các chỉ tiêu tài chính, ngoài các khoản tương đương tiền trình bày trong chỉ tiêu này, kế toán có thể coi tương đương tiền bao gồm cả các khoản có thời hạn thu hồi còn lại dưới 3 tháng kể từ ngày báo cáo (nhưng có kỳ hạn gốc trên 3 tháng) có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền." Tại thời điểm ngày 31/12/2020 là thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2020, Công ty tôi có một số hợp đồng tiền gửi kỳ hạn gốc > 3 tháng, nhưng thời gian đáo hạn chỉ còn 1-2 tháng. Khi kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty vào tháng 2/2021 thì các hợp đồng này đã tất toán chuyển thành tiền và đã thanh toán cho nhà cung cấp vào tháng 2/2021. Theo hướng dẫn trên của Bộ Tài Chính, khi lập bảng cân đối kế toán năm 2020, tôi có được vận dụng hạch toán tại gạch đầu dòng cuối cùng để hạch toán chuyển số tiền gửi của các hợp đồng trên thành chỉ tiêu tương đương tiền trên bảng cân đối kế toán thời điểm 31/12/2020 hay không? Rất mong quý Bộ giả đáp giúp. Xin cảm ơn.
11/05/2021
Trả lời:

Tại Điểm a Khoản 1.4 Điều 112 Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định về trình bày báo cáo tài chính trên chỉ tiêu “Tiền và các khoản tương đương tiền” như sau:

“Chỉ tiêu này phản ánh các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi không quá 3 tháng kể từ ngày đầu tư có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền tại thời điểm báo cáo.

…Các khoản tương đương tiền có thể bao gồm: Kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng

Khi phân tích các chỉ tiêu tài chính, ngoài các khoản tương đương tiền trình bày trong chỉ tiêu này, kế toán có thể coi tương đương tiền bao gồm cả các khoản có thời hạn thu hồi còn lại dưới 3 tháng kể từ ngày báo cáo (nhưng có kỳ hạn gốc trên 3 tháng) có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền.”

Tại Điểm 1.2 Khoản 1 Điều 114 Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định:

“ Các khoản đầu tư ngắn hạn được coi là tương đương tiền trình bày trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ chỉ bao gồm các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong chuyển đổi thành tiền kể từ ngày mua khoản đầu tư đó tại thời điểm báo cáo. Ví dụ kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi… có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng kể từ ngày mua.”

Căn cứ vào quy định nêu trên, trường hợp tại ngày kết thúc kỳ kế toán, đối với các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng nhưng thời gian đáo hạn dưới 3 tháng, có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền thì Công ty không được phân loại là tiền và tương đương tiền khi lập và trình bày báo cáo tài chính nhưng có thể được coi là tương đương tiền cho mục đích phân tích các chỉ tiêu tài chính.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị Quý độc giả nghiên cứu, thực hiện
Gửi phản hồi: