Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính thưa Vụ chế độ kế toán, kể từ khi chuyển sang hạch toán theo thông tư 107/2017/TT-BTC quy định về Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Cá nhân tôi khi đọc thông tư thấy có rất nhiều vấn đề mâu thuẫn khó giải đáp khi hạch toán theo hướng dẫn của Thông tư. Nhất là các vấn đề hạch toán các TK 511, TK 611, TK 421, TK 431, TK 334 và TK 137 liên quan đến vấn đề trích lập và chi bổ sung thu nhập, khen thưởng, phúc lợi của đơn vị sự nghiệp (theo tôi đơn vị hành chính cũng sẽ có những vấn đề gần tương tự như vậy). Thứ Nhất, với trường hợp tạm chi bổ sung thu nhập tại đơn vị sự nghiệp: "- Trong kỳ, trường hợp quỹ bổ sung thu nhập, quỹ phúc lợi không còn đủ số dư để chi trả, đơn vị tạm tính kết quả hoạt động để chi trả, nếu được phép tạm chi bổ sung thu nhập, tạm chi phúc lợi cho người lao động trong đơn vị: + Khi tạm chi bổ sung thu nhập, phản ánh số phải trả người lao động, ghi: Nợ TK 137- Tạm chi (1371) Có TK 334- Phải trả người lao động. Khi chi bổ sung thu nhập cho người lao động, ghi: Nợ TK 334- Phải trả người lao động Có các TK 111, 112. + Khi tạm chi phúc lợi, ghi: Nợ TK 137- Tạm chi (1378) Có các TK 111, 112. - Cuối năm, khi xác định kết quả các hoạt động, đối với các đơn vị sự nghiệp được trích lập các quỹ theo quy định của cơ chế tài chính hiện hành, ghi: Nợ TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế Có TK 431- Các quỹ (4314,4313,4311,4312) Đồng thời, kết chuyển số đã tạm chi bổ sung thu nhập trong kỳ theo số đã được duyệt, ghi: Nợ TK 431- Các quỹ (4313) Có TK 137- Tạm chi (1371)." Tuy nhiên, tôi không thấy trong bước hạch toán tạm chi này có xuất hiện hạch toán Có TK 511, việc không có bút toán này khiến cho không xuất hiện chênh lệch TK 511 và TK611 cuối kỳ liên quan đến phần kinh phí tiết kiệm được để có thể làm thặng dự TK 421 (tôi đang ví dụ về đơn vị SN đơn giản nhất, chỉ có chênh lệch thu chi từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, ko có nguồn thu khác hay được tặng biếu) Thứ Hai, trong phần hướng dẫn về TK 511 ở Thông tư 107 có ghi "Trường hợp cuối năm, xác định được số tiết kiệm chi thường xuyên để trích lập các Quỹ, căn cứ quyết định lập Quỹ, rút dự toán chuyển sang TK tiền gửi tại KBNN theo số quỹ được trích lập, ghi: Nợ TK 112-Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc Có Tk 511 - Thu hoạt động do NSNN cấp Đồng thời ghi Có TK 008- Dự toán chi hoạt động" Như vậy liên quan đến phần thứ nhất, nếu trong năm tạm chi thì đã hạch toán Có TK511 số tiền tạm chi lúc tạm chi luôn chưa?, Và số tiền hạch toán Có TK 511 ở phần Hai này bắt buộc là số tổng trích lập quỹ cả năm, hay số trích lập quỹ sau khi trừ đi số đã tạm chi trong năm? Thứ Ba, tại phần hướng dẫn TK 431 về trích Quỹ Khen thưởng: "- Căn cứ quyết định trích lập quỹ, đơn vị làm thủ tục rút dự toán vào TK tiền gửi (quỹ), ghi: Nợ TK 112 - tiền gửi Ngân hàng, kho bạc Có TK 511- thu hoạt động do NSNN cấp Đồng thời ghi: Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (mục trích lập quỹ khen thưởng) - Đồng thời phản ánh chi phí trích quỹ, ghi: Nợ TK 611- Chi phí hoạt động Có TK 431- Các quỹ" (trong hướng dẫn hạch toán TK 611 cũng có nghiệp vụ phát sinh như trên và hướng dẫn hạch toán tương tự). Tôi muốn hỏi, tại sao ở đây lại xuất hiện TK 611 ?? Tôi rất không hiểu, như vậy thì chêch lệch thu chi để phản ánh vào TK 421 ở đâu? Vì để được trích Quỹ khen thưởng thì phải có số kinh phí tiết kiệm, mà ở đây TK 611 và TK511 cùng xuất hiện thì không thể xuất hiện thặng dư được. Rất mong Bộ Tài chính có ý kiến.
14/04/2021
Trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi về việc hạch toán theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC (chế độ kế toán HCSN) các tài khoản 511, 611, 421, 431, 334, 137 liên quan đến vấn đề tạm chi bổ sung thu nhập, chi khen thưởng và trích lập các quỹ của đơn vị sự nghiệp công lập. Về vấn đề này Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán- Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về việc hạch toán tạm chi bổ sung thu nhập đối với đơn vị sự nghiệp công lập

Theo cơ chế tài chính áp dụng đối với đơn vị SNCL, quỹ bổ sung thu nhập được trích lập vào cuối năm tài chính, từ chênh lệch thu lớn hơn chi. Tuy nhiên trong năm nếu có quy định được tạm chi trước thì đơn vị được ứng nguồn này để chi trước cho người lao động, cuối năm tài chính sau khi trích lập quỹ bổ sung thu nhập phải kết chuyển số đã tạm chi trong kỳ, trước khi tiếp tục sử dụng quỹ bổ sung thu nhập. Đối với việc đơn vị thực hiện hạch toán tạm chi, về bản chất là sử dụng trước quỹ bổ sung thu nhập, khi trong năm quỹ chưa có số dư (do kết quả được xác định vào cuối năm).  

Theo đó, chế độ kế toán HCSN quy định trường hợp cơ chế tài chính cho phép tạm chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong đơn vị thì trong năm khi phát sinh tạm chi hạch toán vào TK 137 “Tạm chi”. Cuối kỳ sau khi xác định kết quả hoạt động, trích lập các quỹ theo quy định phải đồng thời thực hiện bút toán kết chuyển số đã tạm chi bổ sung thu nhập trong kỳ (Nợ TK 4313/ Có TK 137).

Các bút toán hạch toán TK 137 “tạm chi” không được hạch toán đồng thời với các TK tài khoản doanh thu (511,...), doanh thu phải được hạch toán trước khi xác định kết quả hoạt động.    

2. Về chi khen thưởng của đơn vị sự nghiệp công lập

- Chi từ Quỹ khen thưởng

Theo quy định Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập Quỹ khen thưởng được hình thành từ việc phân phối chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên trong năm. Tại Điểm b, Khoản 3, Điều 12, Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định Quỹ khen thưởng: Để thưởng định kỳ, đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị (ngoài chế độ khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng) theo hiệu quả công việc và thành tích đóng góp vào hoạt động của đơn vị. Mức thưởng do thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

-         Chi khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng

Kinh phí chi khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng do NSNN đảm bảo được giao dự toán hàng năm cho đơn vị, do vậy khoản chi này được hạch toán vào chi phí. Căn cứ giấy rút dự toán chi khen thưởng đơn vị hạch toán Nợ TK 611 “Chi phí hoạt động”/ Có TK 511 “Thu hoạt động do NSNN cấp” đồng thời Có TK 008 “Dự toán chi hoạt động”.

Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.

Gửi phản hồi: