Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính Theo quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã quy định: Điều 3. Chi phí đầu tư được quyết toán Chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, dự toán được duyệt và hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật (đối với những công việc thực hiện theo hợp đồng) kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền. Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được duyệt hoặc được điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quy định thuế giá trị gia tăng được xác định là chi phí của tổng mức đầu tư xây dựng (khoản 4, Điều 4) và là thành phần của dự toán xây dựng (Điều 8 nội dung dự toán xây dựng, Điều 9 xác định dự toán xây dựng) Như vậy, chỉ tiêu “Chi phí đầu tư đề nghị quyết toán” tại bảng II Mẫu số 01/QTDA có bao gồm thuế GTGT; chỉ tiêu nguồn vốn tại Bảng I Mẫu số 01/QTDA cột “Đã thanh toán” có bao gồm thuế GTGT. Theo quy định Tại Mục III, Mẫu số 01/QTDA "Chi phí đầu tư không tính vào tài sản", theo quy định việc thẩm tra "các khoản chi phí không hình thành tài sản để trình cấp có thẩm quyền cho phép không tính vào giá trị tài sản như: Chi phí đào tạo, tăng cường và nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý hoặc cộng đồng, chi phí các Ban quản lý dự án không liên quan trực tiếp đến tài sản được hình thành và bàn giao ở các địa phương, chi phí đầu tư thiệt hại do nguyên nhân chủ quan như khối lượng đầu tư bị hủy bỏ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, chi phí đã thực hiện, không xảy ra thiệt hại, có tạo ra sản phẩm nhưng sản phẩm đó không được sử dụng cho dự án như sản phẩm chi phí khảo sát, thiết kế đã hoàn thành, đạt chất lượng nhưng không được sử dụng do chủ đầu tư thay đổi thiết kế, chi phí đầu tư xây dựng dở dang (dự án dừng thực hiện vĩnh viễn) không hình thành tài sản; chi phí sửa chữa, khắc phục hậu quả thiên tai không được hạch toán tăng giá trị tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán và quản lý tài sản,...." Không có nội dung thuế GTGT được khấu trừ. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, thì: Nhận khối lượng XDCB, khối lượng sửa chữa TSCĐ hoàn thành do bên nhận thầu bàn giao, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, căn cứ hợp đồng giao thầu, biên bản nghiệm thu khối lượng XDCB hoàn thành, hóa đơn bán hàng, ghi: Nợ TK 241 - XDCB dở dang (2412, 2413) Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332) (nếu có) Có TK 331 - Phải trả cho người bán. Khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng ghi: Nợ TK 211 - Tài sản cố định Có 2412 - XDCB dở dang Xin hỏi Bộ đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng được khấu trừ thuế GTGT thì Chi phí không tạo nên tài sản có được phép loại trừ Thuế giá trị gia tăng đã được khấu trừ thuế hay không?: Nếu không loại trừ ra thì số liệu giữa Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và sổ sách kế toán sẽ sai lệch phần thuế GTGT được khấu trừ.
14/04/2021
Trả lời:
1. Về hạch toán kế toán

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Thông tư 200/2014/TT-BTC về  nguyên tắc kế toán Tài khoản 241 – Xây dựng cơ bản dở dang thì Chi phí thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kỹ thuật công trình. Chi phí đầu tư XDCB được xác định trên cơ sở khối lượng công việc, hệ thống định mức, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và các chế độ chính sách của Nhà nước, đồng thời phải phù hợp những yếu tố khách quan của thị trường trong từng thời kỳ và được thực hiện theo quy chế về quản lý  đầu tư XDCB. Chi phí đầu tư XDCB, bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác. Khi công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, nếu quyết toán được duyệt ngay thì căn cứ vào giá trị tài sản hoàn thành qua đầu tư được duyệt để ghi tăng giá trị tài sản cố định. Trường hợp quyết toán dự án chưa được duyệt thì doanh nghiệp ghi tăng nguyên giá TSCĐ theo giá tạm tính (giá tạm tính phải căn cứ vào chi phí thực tế đã bỏ ra để có được TSCĐ) nhưng sau đó phải điều chỉnh lại giá trị tài sản cố định theo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản được phê duyệt.

Như vậy, doanh nghiệp chỉ hạch toán vào Tài khoản 241 - Xây dựng cơ bản dở dang các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản không bao gồm phần thuế giá trị gia tăng được khấu trừ.

2. Về quản lý, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng để ghi tăng giá trị tài sản cố định

Việc quyết toán dự án hoàn thành đề nghị thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước; trong đó chi phí đầu tư được quyết toán quy định tại tại Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BTC như sau: “Chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, dự toán được duyệt và hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật (đối với những công việc thực hiện theo hợp đồng) kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền. Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được duyệt hoặc được điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật.

Gửi phản hồi: