Hỏi đáp CSTC

Hỏi:


Công ty tôi là doanh nghiệp tư nhân, thành lập năm 2002, đến nay là đơn vị luôn chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, cũng như luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, phí theo quy định của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Hiện nay công ty tôi đang triển khai thi công gói thầu thi công xây dựng công trình có thời gian ký hợp đồng vào thời điểm tháng 11/2012 đến nay, gói thầu có nguồn vốn ngân sách tỉnh, trong hợp đồng khối lượng đào đất, đào đá và đắp đất trong phạm vi công trình được chủ đầu tư giao (khối lượng đào đất trong phạm vi mặt bằng theo hồ sơ thiết kế được chủ đầu tư giao là: 203.000m3; khối lượng đào đá các loại trong phạm vi mặt bằng theo hồ sơ thiết kế được chủ đầu tư giao là: 86.000m3; theo thiết kế điều phối tận dụng đất, đá đào được vận chuyển khối lượng đất đào được ở trên về đắp nền đường chỗ có địa hình thấp: 65.353m3; khối lượng đất, đá thừa vận chuyển đổ thải tại vị trí bãi thải của dự án).

Đơn giá thanh toán cho nhà thầu thi công không có giá vật liệu đất đá, không có phí bảo vệ tài nguyên môi trường cấu thành giá, chỉ bao gồm công vận chuyển, công đào và công đắp trên cơ sở lập dự toán cấu thành từ hao phí máy, nhân công và nhiên liệu (sau khi nhà thầu thi công công trình hoàn thành được chủ đầu tư nghiệm thu bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng của Nhà nước theo quy định. Như vậy tất cả phần đất, đá đào được và phần đất đá vận chuyển về đắp chỗ thấp của công trình hoặc phần đất đá đổ thải không do công ty tôi sử dụng và công ty cũng không được phép đem bán).

Qua tìm hiểu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 thì về bản chất thực hiện công việc theo hợp đồng của công ty tôi chỉ là đơn vị thi công chỉ gồm hoạt động làm thuê, không thu được khoáng sản (không thu được đất đá làm tài sản cho công ty, không mua bán trao đổi đất đá thu được từ hoạt động thi công công trình), thi công hoàn thành công trình được nghiệm thu bàn giao cho chủ đầu tư.

Để có cơ sở triển khai, thực hiện, kính đề nghị Quý cơ quan, hướng dẫn đối với trường hợp thi công xây dựng công trình như trên thì công ty tôi phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với phần khối lượng nào? Không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với phần khối lượng nào?.

13/10/2020
Trả lời:

 Căn vào Khoản 2, Điều 1, Điều 2 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng chịu phí

2. Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Tại Điều 5 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định:

1. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau:

F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K

Trong đó:

- F là số phí bảo vệ môi trường phải nộp trong kỳ;

- Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3);

- Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (tấn hoặc m3);

- flà mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra: 200 đồng/m3;

f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3);

- K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác, trong đó:

+ Khai thác lộ thiên (bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác titan, cát, sỏi lòng sông): K = 1,1;

2. Đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác than, không thu phí đến hết năm 2017.

….

 7. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó và trường hợp đất, đá khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng chống thiên tai, khắc phục, giảm nhẹ thiên tai thì không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đó.”

Căn cứ vào các quy định trên Công ty của độc giả (sau đây gọi tắt là Công ty) đang triển khai thi công các gói thầu xây dựng công trình từ thời điểm tháng 11/2012 đến nay. Trong đó Công ty có hoạt động khai thác đất, đá để san lấp mặt bằng thuộc phạm vi của dự án thì đất, đá khai thác để san lấp xây dựng công trình thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (không phân biệt công trình có vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước hay không thuộc ngân sách nhà nước) trừ các trường hợp quy định tại Khoản 7, Điều 5 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ (nêu trên).

Về Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ Công ty thực hiện theo Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 164/2016/NĐ - CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ.

Gửi phản hồi: