Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
47/4 78/5 84/9 Xin hỏi Bộ Tài chính về Thông Tư 107/2017/TT-BTC : Vấn đề thứ nhất: Trong biểu F01-01/BCQT kết cầu gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn phí được khấu trừ để lại, nguồn khác được khấu trừ để lại. Vậy nguồn khác được khấu trừ để lại sử dụng tài khoản thu, chi nào ? Trong đơn vị HCSN có rất nhiều khoản thu phục vụ cho hoạt động của đơn vị không mang tính chất kinh doanh : Ví dụ hội phụ nữ, hội nông dân, UBMTTQVN, các trung tâm bảo trợ trẻ em, các trường mầm non, tiểu học,THCS, THPT… có thu các khoản khác như học phí, y tế học đường, thu đóng góp để mua sắm, xdcb. .. hoàn toàn không mang tính chất kinh doanh. Học phí không phải là thu giá. Nhưng một số giảng viên và một số đơn vị cung cấp phần mềm kế toán lại hướng dẫn hạch toán các TK 154,531,632,642 tôi thấy không hợp lý, tôi nghĩ nếu hạch toán vậy thì để phục vụ cho báo cáo tài chính, không phục vụ cho báo cáo quyết toán. Nhưng một số phần mềm kế toán lại đưa vào báo cáo quyết toán toàn bộ số thu và chi(biểu B01/BCQT và F01-01/BCQT). Chưa kể ngành y tế có vật tư tiêu hao cũng đưa toàn bộ vào báo cáo quyết toán. Thông tư 107/2017/TT-BTC không nói đưa khoản này vào báo cáo quyết toán. Vậy hạch toán các TK 154,531,632,642 có đưa vào mẫu báo cáo quyết toán B01/BCQT và F01-01/BCQT không? loại hình nào đưa loại hình nào không đưa vào ? Theo tôi nên cài thêm chi tiết tiểu khoản 3373 và 514 và 614 (đuôi số 9 là thu khác giống mục lục NSNN) hạch toán giống như thu phí và lệ phí là thích hợp nhất). Vì nhiều khoản thu ,chi không mang tính chất thu giá dịch vụ. Vấn đề thứ 2 : Về TK 468 - Nguồn cải cách tiền lương . Áp dụng cho thu phí. Tôi thấy bất hợp lý Trích Nợ 421/468 , nhưng trong tài liệu tài khoản 514 phát sinh bằng số đã chi. Vậy TK 421 làm gì có để mà trích. Vấn đề thứ 3: Chi cải cách tiền lương 40% từ nguồn phí và khác được khấu trừ để lại : Coi như chi hộ Ngân sách hạch toán Nợ 611/111,112. Cứ coi giống như ghi thu và ghi chi. Vậy tài khoản 511 đâu không thấy hướng dẫn trong TT107. Vậy khoản này có lên báo cáo quyết toán Không(Mẫu B01/BCQT và F01-01/BCQT). Theo tôi nên hạch toán TK 468 như vậy đối với nguồn phí và khác Nợ 337/468, kết chuyển số đã chi 468/511 là hợp lý nhất. Riêng nguồn SXKD dịch vụ trích từ TK 421/468. Vấn đề thứ 4 : Thông tư 107 hướng dẫn khi chuyển tiền chi phí Nợ 614/514 (tôi thấy sai vì tiền là TK 111 và 112. Xin chân thành cảm ơn và mong được phúc đáp sớm để thực hiện tốt hơn!
03/05/2019
Trả lời:

 

         1. Theo thư hỏi của độc giả về nguồn khác được khấu trừ để lại trên biểu báo cáo F01-01/BCQT là chưa chính xác. Trên biểu báo cáo F01-01/BCQT quy định Phụ lục số 04, chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC chỉ bao gồm các nguồn: Nguồn NSNN, nguồn phí được khấu trừ, để lạinguồnhoạt động khác được để lại.

        2. Về hạch toán tài khoản và lập báo cáo quyết toán đối với nguồn hoạt động khác được để lại  

Căn cứ quy định tại Thông tư 107/2017/TT-BTC:

        - Tại Khoản 1, Điều 6: “Đối tượng lập báo cáo quyết toán:... Trường hợp đơn vị hành chính, sự nghiệp có phát sinh các khoản thu, chi từ nguồn khác, nếu có quy định phải quyết toán như nguồn ngân sách nhà nước cấp với cơ quan có thẩm quyền thì phải lập báo cáo quyết toán đối với các nguồn này.

        - Tại phụ lục 02, phần hướng dẫn hạch toán TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp, quy định: “Tài khoản 5118- Thu hoạt động khác: Phản ánh các khoản thu hoạt động khác được để lại mà đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao dự toán (hoặc không giao dự toán) và yêu cầu phải báo cáo quyết toán theo Mục lục NSNN”.

        - Tại phụ lục 02, phần hướng dẫn hạch toán TK 018- Thu hoạt động khác được để lại, quy định nguyên tắc hạch toán: “Tài khoản này dùng cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp phản ánh các khoản thu hoạt động khác được để lại đơn vị mà được cơ quan có thẩm quyền giao dự toán (hoặc không giao dự toán) và yêu cầu phải báo cáo quyết toán theo mục lục NSNN. Khi chi cho các hoạt động theo quy định từ nguồn thu hoạt động khác được để lại phải hạch toán theo Mục lục NSNN. Khi báo cáo quyết toán đơn vị phải báo cáo số thực chi từ nguồn thu hoạt động khác”.

        Căn cứ theo các quy định nêu trên, trường hợp đơn vị có phát sinh hoạt động mà cơ quan có thẩm quyền quy định phải báo cáo quyết toán theo Mục lục NSNN thì phải sử dụng các TK 5118, 018,... Một số nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến sử dụng kinh phí để phục vụ quyết toán, như sau:

        + Khi phát sinh các khoản thu kinh phí hoạt động, ghi: Nợ các TK 111, 112/Có TK 3378

        Trường hợp phải nộp NSNN, xác định số phải nộp, ghi: Nợ TK 3378/Có TK 333

         Đồng thời xác định số được để lại đơn vị theo quy định, ghi Nợ TK 018

        + Khi phát sinh các khoản chi phí, ghi:

          Nợ các TK 611,.../Có các TK 111, 112

          Đồng thời ghi Nợ TK 3378/ Có TK 5118 và ghi Có TK 018 (chi tiết MLNS)

         + Khi phát sinh mua TSCĐ, vật tư nhập kho, ghi:

          Nợ các TK 211,152,.../Có các TK 111, 112

          Đồng thời ghi Nợ TK 3378/ Có TK 366 và ghi Có TK 018 (chi tiết MLNS)

        - Nguồn hoạt động khác trên Báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động (mẫu B01/BCQT) và phụ biểu chi tiết F01-01/BCQT: Căn cứ vào số liệu trên TK 018 và Sổ theo dõi nguồn thu hoạt động khác được để lại (mẫu S106-H) hướng dẫn tại chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC để lấy số liệu các chỉ tiêu.

        3. Về hạch toán các khoản thu khác (ngoài khoản thu hoạt động khác được để lại nêu trên)

        Các khoản thu khác của đơn vị (mà không phải là các khoản thu hoạt động do NSNN cấp; thu viện trợ, vay nợ nước ngoài; thu phí khấu trừ, để lại; thu hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; thu tài chính; các khoản tạm thu; các khoản thu hộ và khoản thu mà cơ quan có thẩm quyền có yêu cầu phải báo cáo quyết toán theo Mục lục NSNN) thì được hạch toán là thu nhập khác của đơn vị trên TK 711- Thu nhập khác.

     4. Đối với khoản thu học phí, viện phí: Đối với các trường học, bệnh viện khi phát sinh nguồn thu từ học phí, viện phí mà theo pháp luật về phí, lệ phí hiện nay thì các khoản thu này không nằm trong danh mục phí, lệ phí, vì vậy theo hướng dẫn tại Thông tư 107/2017/TT-BTC khi thu đơn vị sẽ hạch toán là nguồn thu dịch vụ của đơn vị (TK 531- Thu hoạt động SXKD, dịch vụ). Khi phát sinh các khoản chi phí từ nguồn thu dịch vụ này sẽ được hạch toán vào TK 154- Chi phí SXKD, dịch vụ dở dang (nếu chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động dịch vụ) hoặc TK 642- Chi phí quản lý hoạt động SXKD, dịch vụ (nếu là chi phí quản lý không phân bổ được trực tiếp vào từng dịch vụ). Số liệu phản ánh hoạt động này sẽ thể hiện trên các Báo cáo tài chính theo quy định chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC.

        5. Đối với việc hạch toán nguồn và chi cải cách tiền lương từ nguồn phí được khấu trừ, để lại:

        Theo quy định chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC khoản thu từ phí được hạch toán vào TK 3373- Tạm thu phí, lệ phí, sau đó đơn vị sẽ trích nộp NSNN (nếu có), số còn lại được sử dụng sẽ còn dư trên TK này và đồng thời theo dõi bên Nợ TK 014- Phí được khấu trừ, để lại; khi phát sinh chi phí thì đồng thời ghi doanh thu và được ghi doanh thu khi xác định được số tiết kiệm trong năm.

        Theo đó khi chưa sử dụng thì kinh phí cải cách tiền lương từ nguồn phí được khấu trừ, để lại sẽ còn dư (Dư Có) trên TK 3373- Tạm thu phí, lệ phí và số dư Nợ TK 014- Phí được khấu trừ, để lại (là số đã thu được nhưng chưa phát sinh chi phí tương ứng). Trên báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động (mẫu B01/BCQT) sẽ có số liệu tại chỉ tiêu “Số thu được trong năm” nhưng chưa có số liệu trên chỉ tiêu “số kinh phí đã sử dụng đề nghị quyết toán”, đồng thời Báo cáo chi tiết chi từ nguồn NSNN và nguồn phí được khấu trừ, để lại (mẫu F01-01/BCQT) chưa có số liệu.

        Khi phát sinh chi thực hiện cải cách tiền lương, đơn vị sẽ phản ánh chi phí đồng thời ghi nhận doanh thu và phản ánh là một khoản sử dụng trên TK ngoại bảng giống như các khoản chi phí khác. Khi đó khoản chi này sẽ được thể hiện trên chỉ tiêu “số kinh phí đã sử dụng đề nghị quyết toán” của Báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động (mẫu B01/BCQT) đồng thời thể hiện trên Báo cáo chi tiết chi từ nguồn NSNN và nguồn phí được khấu trừ, để lại (mẫu F01-01/BCQT).

        Việc trích lập nguồn CCTL trên TK 468- Nguồn cải cách tiền lương chỉ phát sinh khi trích kinh phí CCTL đối với các khoản đã được ghi vào doanh thu.

        6. Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC không có hướng dẫn nghiệp vụ hạch toán Nợ TK 614/Có TK 514. Hiện nay có rất nhiều tài liệu in sẵn về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp có những hướng dẫn không đúng theo quy định, đề nghị độc giả lưu ý nguồn tài liệu đang sử dụng.

        7. Về số liệu tài khoản làm căn cứ lập báo cáo quyết toán:

        Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC đã hướng dẫn rất chi tiết việc lấy số liệu từng chỉ tiêu trên các báo cáo có liên quan tại mục B, phần III- Phụ lục số 04, chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC, đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện.

        8. Về việc bạn đọc đề nghị coi chi cải cách tiền lương như chi hộ ngân sách, coi như giống ghi thu, ghi chi

        Các văn bản của nhà nước quy định về chính sách cải cách tiền lương cũng như tạo nguồn để thực hiện chính sách này hoàn toàn không có nội dung nào hướng dẫn về việc đơn vị được coi chi cải cách tiền lương như chi hộ ngân sách, coi như giống ghi thu, ghi chi.

         Hiện nay chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC đã hướng dẫn các tài khoản nhằm phản ánh được nghiệp vụ phát sinh trong trường hợp này, việc thiết kế các tài khoản theo nội dung kinh tế nhằm đảm bảo minh bạch, rõ ràng tình hình tài chính của đơn vị. Các đơn vị thuộc đối tượng áp dụng chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp cần nghiên cứu để thực hiện theo quy định, trong quá trình thực hiện đơn vị không được tùy ý coi nguồn này giống như nguồn kia theo như thư độc giả đang nêu để phản ánh nghiệp vụ phát sinh không đúng quy định.

        9. Về sử dụng phần mềm kế toán

        Nguyên tắc phần mềm kế toán là công cụ trợ giúp cho người làm kế toán. Trên cơ sở các chứng từ kế toán người dùng nhập số liệu đầu vào, sau đó dựa vào các thủ tục, quy trình có sẵn phần mềm kế toán sẽ xử lý và đưa ra các báo cáo một cách chính xác và hiệu quả, giúp người dùng tiết kiệm thời gian và chi phí. Theo đó phần mềm kế toán hành chính, sự nghiệp cần phải được thiết kế theo đúng yêu cầu nghiệp vụ và lập được BCTC, BCQT theo quy định chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Các đơn vị cần lựa chọn các phần mềm phù hợp và kiểm soát việc đáp ứng được yêu cầu theo quy định.

Gửi phản hồi: